Thoạt đầu khi nghĩ tới, có lẽ hai khái niệm về những chiếc du thuyền và tàu vũ trụ hoàn toàn khác biệt, tuy nhiên hãng đóng tàu Hà Lan Royal Huisman gần đây đã hoàn thành chiếc du thuyền mang tên Sea Eagle II – chiếc du thuyền bằng nhôm lớn nhất thế giới. Sea Eagle II được thiết kế sử dụng các kỹ thuật tương tự như những công nghệ đã được sử dụng để phát triển các sứ mệnh không gian ESA.
Ra mắt vào ngày 7 tháng 1 năm 2020 tại xưởng đóng tàu của Royal Huisman ở Vollenhove, Hà Lan, chiếc thuyền buồm sang trọng dài 81 m Sea Eagle II đã được chuyển bằng sà lan đến cơ sở Amsterdam của công ty để được gắn cột buồm bằng carbon tổng hợp. Sau đó, chiếc du thuyền sẽ được bắt đầu thử nghiệm trên biển nhằm bắt kịp kế hoạch giao hàng vào cuối năm nay.
Những thông tin này có lẽ không quá kì lạ đối với chiếc du thuyền lớn thứ bảy trên thế giới, nhưng đằng sau lớp vỏ kim loại của Sea Eagle II chính là một số ý tưởng kỹ thuật mang tính thời đại thực sự.
Theo ESA, điều khiến Sea Eagle II khác biệt so với những chiếc du thuyền khác thuộc thương hiệu này là nó được thiết kế và phát triển bằng cách sử dụng các kỹ thuật của ngành hàng không vũ trụ được tạo ra tại Cơ sở thiết kế đồng thời (CDF) ở Noordwijk, Hà Lan.
Massimo Bandecchi, người sáng lập CDF cho biết:”Vệ tinh và tàu vũ trụ đều là những cỗ máy phức tạp và kỹ thuật đồng thời là lợi thế trong việc thiết kế bất kỳ hệ thống phức tạp nào”. Ngoài ra, ông còn tiết lộ thêm về việc thiết kế chiếc du thuyền này:”Ý tưởng cơ bản rất đơn giản: tập hợp tất cả các chuyên gia và công cụ thiết kế cần thiết vào một phòng để cùng làm việc với nhau trên một mô hình phần mềm dùng chung, cập nhật ngay lập tức khi có thay đổi để họ có thể cùng đánh giá tính khả thi của thiết kế và thay đổi nhiều hơn nữa nhằm hướng với việc tạo ra một bản thiết kế hoàn hảo”.
Để xây dựng Sea Eagle II, Stefan Coronel, Giám đốc thiết kế và kỹ thuật của Royal Huisman đã được Massimo và nhóm của ông đào tạo về sự phức tạp của thiết kế tàu vũ trụ. Chính vì thế mà đội ngũ xây dựng của Royal Huisman phần nào có thể thích nghi với các vấn đề đặc biệt của việc xây dựng chiếc Sea Eagle II.
Ông Stefan Coronel cho biết:”Xây dựng du thuyền không phải là khoa học tên lửa, nhưng nó liên quan đến một hệ thống phức tạp, đa lĩnh vực, với rất nhiều những chi tiết cần phải cân nhắc đánh đổi nhằm đem tới một chiếc du thuyền hoàn hảo”.
Royal Huisman đang sử dụng thiết kế mới này cho tất cả các dự án mới của mình cũng như những dự án liên quan đến cải tạo và phục hồi những chiếc du thuyền cũ. Điều này được thực hiện theo mô hình công việc của các kĩ sư ESA với việc chia công việc thành các mảng nhỏ.
Nhân sự từ các mảng chính trong thiết kế du thuyền sẽ cùng ngồi trong tất cả các phiên thiết kế và phát triển. Họ là những người phụ trách các mảng bao gồm sức mạnh và độ cứng kết cấu, xử lý boong và cánh buồm, sức đẩy, sức mạnh, sưởi ấm, điều hòa không khí; điện tử, và thiết kế nội thất. Ngoài ra trong các phiên thiết kế còn có sự góp mặt của các chuyên gia phụ trách, tư vấn về các vấn đề ngoại vi như tiếng ồn và độ rung để có thể chỉnh sửa, góp ý trực tiếp.