Khi Royal Enfield mới bước vào Việt Nam, rất nhiều khách hàng đã định đặt hàng nhưng rồi họ đều nghe ngóng thông tin từ những người mua trước và cái kết sau vài tháng đã phải bán xe lỗ 10-20 triệu.

Không chỉ bán xe, thậm chí nhiều người còn buông lời sắc mỏng “thà dùng xe Nhật cũ còn hơn Ấn mới”. Vậy lý do nào khiến Royal Enfield bị thất sủng trong lòng người dùng Việt?
Theo các thông tin mà mình tìm hiểu và quan điểm của mình, có 3 điều khiến Royal Enfield không đạt doanh thu như kỳ vọng.

Mức độ hoàn thiện của Royal Enfield
Đầu tiên là mức độ hoàn thiện của xe Royal Enfield. Chúng ta đều biết, Royal Enfield là hãng xe thương hiệu Anh Quốc (xuất xưởng chiếc đầu tiên vào năm 1901 tại Redditch, Anh), nhưng đến những năm 50, Royal Enfield du nhập đến Ấn Độ.

Chính vì tỷ lệ nội địa hóa của xe quá cao trong khi kỹ thuật luyện kim kém cũng như công nghệ của Ấn Độ đã lạc hậu khiến xe Royal Enfield hay hỏng vặt, khó cạnh tranh với các đối thủ thương hiệu lớn.
Nếu so với xe sản xuất Nhật, Thái hay Indo thì các xe sản xuất tại Ấn Độ có chất lượng kém hơn khá nhiều. Không chỉ bị cắt option trên xe mà ngay cả việc lắp ráp, gia công chi tiết hay các phần mép còn nhiều chi tiết thừa, không sắc cạnh, phần sơn của xe mức độ hoàn thiện chưa cao, các nút bấm bị ọp ẹp hay hỏng vặt,… là những khuyết điểm của Royal Enfield bị người dùng than phiền.

Không riêng gì xe máy, ô tô và xe tải sản xuất ở Ấn Độ cũng gia công không được cao. Mình đã từng xem dàn gầm chiếc xe tải Hino lắp ráp tại Ấn Độ có giá rẻ hơn 1 nửa so với Hino Nhật, nhưng hoàn thiện kém, bề mặt sơn xử lý kém, không chỉnh chu.
Tóm lại, mức độ hoàn thiện sản phẩm không cao là yếu tố đầu tiên khiến Royal Enfield thua kém các đối thủ.
Động cơ Royal Enfield yếu, cọc cạch?
Đến nay, dù qua trải qua khoảng thời gian khá dài có mặt trên thị trường nhưng Royal Enfield vẫn trung thành với khối động cơ xy-lanh đơn như Classic 500cc, Bullet 500,…
Chỉ có 2 mẫu xe mới 2019 gồm: Continental GT và Interceptor sử dụng động cơ xy lanh đôi, dung tích 650cc.

Royal Enfield Classic và Bullet 500 là 2 mẫu xe có thể gọi là “xe cổ” được sản xuất trong Thế kỷ XXI. Động cơ 500cc là công nghệ từ chục năm về trước, được cải tiến từ động cơ 350cc cũ được chế tạo trên chiếc Bullet.
Động cơ 500cc chính xác là 499cc, làm mát bằng không khí, đường kính piston 84 mm và hành trình dên 90 mm. Cò đẩy đóng mở xú-páp (OHV) thay vì sử dụng trục cam (OHC) và hộp số 5 cấp.

Điểm mới là bugi kép và thay vì dùng “bình xăng con” (chế hòa khí) truyền thống thì hãng đã áp dụng phun xăng điện tử để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải toàn cầu.
Tuy nhiên, điều này cũng không mang đến hiệu suất cho cỗ máy 500cc, công suất chỉ đạt 27 mã lực và mô-men xoắn 22Nm.

Trong khi đó, 2 mẫu Royal Enfield Interceptor 650 và Continental GT 650 sử dụng động cơ mới 2 xy-lanh thẳng hàng, dung tích 649cc. Đây cũng là khối động cơ xy-lanh đôi 600cc đầu tiên của Royal Enfield.
Công suất của động cơ đạt tối đa 47 mã lực tại vòng tua 7.250 vòng/phút và mô-men xoắn 52 Nm tại 5.250 vòng/phút. Hành trình piston rút ngắn lại và đường kính nhỏ hơn điều này giúp xe đề-pa mạnh hơn.
Nhưng tổng thể cả 2 động cơ xy-lanh đơn hay xy-lanh đôi thì công suất không mang tới sự ấn tượng như các đối thủ.

Nói vui một chút, động cơ 500-650cc của Royal Enfield chạy chán hơn động cơ 150cc cam đôi DOHC trên Honda Winner với công suất 15,4 mã lực. So sánh Royal Enfield và Honda Winner thì rất khập khiễng, bởi lẽ 2 dòng xe này không cùng phân khúc. Tuy nhiên, nói ở đây để thấy rằng Royal Enfield không dành cho giới trẻ đam mê tốc độ.
Hãy nghĩ xem, bạn đang muốn thưởng thức phong thái điềm đạm của chiếc xe phong cách cổ điển mà mỗi cái vít ga là xe chực chờ chồm lên, ống xả thì “véo véo” kiểu như động cơ trên Naked-bike hay Sport-Bike thì chắn chắn trở thành lãng xẹt.
Nó tương tự như bạn đang chờ cà phê từ phin nhỏ từng giọt xuống ly để thưởng thức, thì có đứa lấy muỗng khuấy cho nước cà phê xuống nhanh hơn. Kết quả bạn cũng có ly cà phê nhưng nó trớt quớt và vô vị.

Cũng nói thêm một chút, không riêng động cơ của Royal Enfield cho công suất yếu mà những xe dòng Classic động cơ công suất thấp hầu như là đặc trưng rồi. Điển hình như Honda 40SS hay Yamaha SR400 công suất cũng chỉ 26-29 mã lực. Vậy nên, có thể hiểu với dòng Classic các nhà sản xuất đều có dụng ý với cụm động cơ và máy chỉ cần khỏe chứ không cần nhanh.
Tóm lại, Royal Enfield sản xuất xe theo triết lý đặc trưng truyền thống, mang nét hoài cổ từ phong cách đến trải nghiệm cầm lái.
Thiết kế Royal Enfield kén khách dành
Trước khi đi vào phần chính, ta nói sơ về bối cảnh khi Royal Enfield về Việt Nam.
Thời điểm Royal Enfield tham gia thị trường PKL tại Việt Nam, các hãng PKL hầu như bỏ ngõ phân khúc xe cổ điển dung tích 350-500cc, tầm giá từ 125-170 triệu đồng.

Trong khi đó, người chơi xe thèm khát các mẫu Classic, Cafe Racer hay phong cách Retro chỉ có thể độ chế theo sở thích cá nhân, đơn cử như Honda CB750 độ Cafe Racer,… Hoặc phương án khác là mua xe đời cổ, kèm theo đó là các phiền toái.

Đây thật sự là thị trường đầy tìm năng của Royal Enfield khi xe hội tụ sẵn các yếu tố cần có của dòng xe Retro và được nhập khẩu chính hãng.
Mặt khác, nếu có tìm hiểu về Royal Enfield, chắc hẳn bạn sẽ biết thập niên 1930, thương hiệu này là một trong những thế lực mạnh mẽ tại trường đua với động cơ xy-lanh đơn 4 van, từng dẫn đầu tranh cúp du lịch – “Tourist Trophy – TT”.

Tiếc rằng Royal Enfield không còn là hãng xe xuất xứ từ Anh Quốc do nền công nghiệp mô tô Anh Quốc sụp đổ. Dẫu vậy, nhờ người Ấn mà những chiếc Royal Enfield Bullet tiếp tục ra mắt từ năm 1948-2006.
Từ năm 2006, Royal Enfield Bullet nâng cấp lên động cơ 500cc và đây cũng là tiền đề trong năm 2009, Royal Enfield ra mắt Classic 2 phiên bản động cơ 350cc và 500cc hướng tới phong cách cổ điển.

Bên cạnh đó, Royal Enfield Interceptor 650 – chiếc xe phong cách Scrambler ra mắt cùng lúc với Continental GT 650 đã 2 lần nhận giải “Mô tô phong cách Retro của năm 2020” do MCN trao tặng.
Để đạt được giải thưởng MCN – tạp chí moto Motorcycle News, khá là khó, bởi ban giám khảo không chỉ là chuyên gia đầu ngành công nghiệp mô tô mà còn có nhà báo, tay đua chuyên nghiệp thảo luận các ưu nhược điểm của xe.
Đồng thời, đánh giá các yếu tố doanh số bán xe, phản hồi khách hàng, thiết kế, cải tiến công nghệ,…

Chính bởi cái ưu điểm lịch sử huy hoàng cùng phong cách cổ điển truyền thống đã khiến Royal Enfield chật vật khi tìm khách hàng tại Việt Nam. Vì trẻ thì không thích, người trung tuổi thì khó tính và xem xét kỹ càng về mặt chất liệu lẫn thương hiệu,…
Còn có nhiều lý do khác, trong đó yếu tố nhiều quan tâm nhất là giá bán Royal Enfield khó cạnh tranh do xe nhập từ Ấn Độ, không được hưởng mức thuế ưu đãi từ Thái Lan như: Ducati, Kawasaki, Honda,..
Lời kết – Royal Enfield không dành cho người thích đam mê tốc độ
Trong khi các hãng mô tô khác hướng đến sự năng động, trẻ trung, mạnh mẽ thì Royal Enfield chọn lối đi riêng với phân khúc xe cổ điển, mang phong cách hoài cổ (retro). Làn gió mới trong thiết kế có thể nói là ưu điểm của Royal Enfield, nhưng cũng vì điều này khiến xe khó tiếp cận với đại đa số khách hàng Việt.

Tóm lại, khách hàng của Royal Enfield là người trẻ có tâm hồn cổ điển hoặc người trung niên có tâm hồn hoài cổ, thích phong cách xe lịch lãm.
Một số tay chơi ở nước ngoài, còn bỏ toàn bộ hệ thống điện tử trên xe thay bằng đồ cơ khí để quay về đúng chất cổ điển vốn có.

Vậy nên, ai thích PKL tốc độ, nhiều công nghệ, tăng tốc sướng thì không nên chọn Royal Enfield.
Còn với mình cầm lái Royal Enfield chắc chắn không bao giờ sướng bằng việc ngồi ngắm. Dù bị chê động cơ yếu, máy gằn, xóc, ọp ẹp,… thì Royal Enfield vẫn xứng đáng là chiếc xe đi cà phê cuối tuần với hội bạn hoặc chạy loanh trong phố.