Trong thời gian gần đây, Bugatti đã cho thấy một hướng đi mới trong việc phát triển những chiếc hypercar của mình, đó là thiết kế chúng với khả năng vận hành ưu việt trên đường đua thay vì chỉ chạy nhanh trên đường thẳng như trước
Minh chứng cho điều đó là những mẫu xe như Chiron Sport, Divo hay Chiron Pur Sport đã ra đời với khả năng khí động học ấn tượng. Và mọi thứ sẽ ra sao nếu Bugatti thực sự tạo ra một chiếc xe dành cho đường đua, không giống với những mẫu xe đang được bán ra của hãng? Có lẽ đây là câu trả lời.
Bugatti Bolide, chiếc hypercar dành cho đường đua vừa được ra mắt không chỉ đem những thiết kế khí động học đến với giới hạn của chúng mà còn tối ưu hóa những gì vốn đã rất hoàn hảo từ di sản của hãng. Trên Bolide, từng đường nét, từng chi tiết được tối ưu để mang lại khả năng khí động học, trọng lượng và hiệu năng tối ưu nhất, biến nó trở thành chiếc xe nhanh nhất thế giới ở thời điểm hiện tại.
Ngay từ bên ngoài, Bugatti đã cho thấy được Bolide sẽ bám chặt trên đường đua như thế nào với từng đường nét thiết kế đều được sử dụng để phục vụ một mục tiêu, đó là khí động học. Lấy cảm hứng từ những chiếc xe đua Công thức 1, chiếc hypercar này có thể tạo ra lực ép lên đến 1,8 tấn ở cánh gió phía sau và 800 kg ở bộ cánh gió phía trước ở tốc độ 320 km/h. Cả hai bộ phận này đều có thể điều chỉnh nhiều cấp độ khác nhau bằng tay.
Trên mui xe, Bugatti đã thiết kế một ống hút gió cỡ lớn nhằm cung cấp khí nạp cho khối động cơ W16 của xe. Điều đặc biệt nhất của cụm chi tiết này là các “bong bóng” với chiều cao 5 mm được làm nổi. Theo hãng sản xuất siêu xe đến từ Pháp, các “bong bóng” khí động học này sẽ giúp giảm 10% lực kéo lại và 17% lực nâng do luồng gió qua xe tạo nên. Việc giảm hai lực tiêu cực nói trên sẽ mang đến cho bộ cánh gió phía sau luồng gió “sạch” hơn để tối ưu hóa lực ép.
Tiến về phía đầu xe, các đường nét chữ X hiện rõ khi nhìn vào phần thân xe trung tâm hay phía trên vòm bánh xe. Đường nét chữ C ngang hông quen thuộc của Bugatti được tinh giản, nhỏ và góc cạnh hơn. Bộ đèn định vị của Bolide có dạng chữ X, một chi tiết mà theo chia sẻ của hãng là được lấy cảm hứng từ chiếc xe đua thành công nhất của họ Bugatti Type 35 với bộ đèn pha được dán bang keo nhằm tránh vỡ khi đua.
Cũng tại khu vực này, Bugatti đã để trần phần đầu xe, tạo ra ba đường dẫn gió khác nhau. Một được đưa lên phía trên thân xe, một xuống dưới gầm và một đường dẫn gió qua ống phía trong thân xe, đến bộ tản nhiệt ở phía sau. Logo thương hiệu Bugatti có lẽ là chi tiết duy nhất mà hãng giữ lại từ những chiếc xe thương mại trên Bolide. “Trong suốt 16 năm qua của tôi tại Bugatti, tôi chưa từng phát triển một chiếc xe nào như chiếc này”, Achim Anscheidt, Giám đốc thiết kế của thương hiệu siêu xe Pháp cho biết.
“Đây là lần đầu tiên mà đội ngũ của tôi có thể tự do tạo nên nên một thiết kế tối giản quanh động cơ W16. Kết quả là một chiếc Bugatti cuốn hút nhất được ra mắt với tất cả những tinh hoa được chắt lọc từ lịch sử của hãng đi cùng thiết kế phục vụ hiệu năng. Chiếc Bugatti Bolide là một dự án tập trung nhiều hơn về kỹ thuật thay cho những kiểu cách như những chiếc xe thương mại khác”.
Ở khung gầm Bolide, Bugatti chỉ giữ lại duy nhất khối động cơ W16 dung tích khủng cùng hệ dẫn động bốn bánh toàn thời gian từ những chiếc xe thương mại của mình. Khối động cơ này trên Bugatti Bolide sở hữu công suất cực đại lên đến 1.850 mã lực ở tua máy 7.000 vòng/phút khi sử dụng xăng đua Octane 110 và 1.850 Nm mô-men xoắn và lên đến 2.000 Nm ở tua máy 7.025 vòng/phút. Hộp số tuần tự 7 cấp và cơ cấu truyền được phát triển đặc biệt cho trường đua với khả năng phản hồi cao hơn so với trước.
Để có thể đạt được hiệu năng ấn tượng như vậy, các kỹ sư của Bugatti đã phát triển cho khối động cơ này bốn bộ tăng áp hoàn toàn mới. Các bộ tăng áp mới có được cánh quạt in 3D bằng vật liệu titian với thiết kế tối ưu, mang đến áp suất nạp cao hơn ở vòng tua máy cao. Ngoài ra, các hệ thống bôi trơn cũng tinh chỉnh nhằm chịu được áp lực làm việc lớn hơn, đồng thời giúp giảm trọng lượng cho xe.
Thay cho hệ thống làm mát tăng áp bằng dung dịch như trước, Bugatti Bolide sử dụng dung dịch để làm mát luồng khí đi vào bộ tản nhiệt tăng áp của xe thông qua hai bộ tản nhiệt đặt phía trước, giống với những chiếc xe đua Công thức 1. Ba bộ tản nhiệt khác đặt ở hai bên hông và phía sau với chức năng làm mát động cơ, hộp số và vi-sai. Phanh được làm mát thông qua cánh quạt gió làm bằng hợp kim carbon-titan.
Với những nâng cấp kể trên, trên lý thuyết, Bugatti Bolide có thể dễ dàng tăng tốc lên 100 km/h từ vị trí đứng yên trong vòng 2,17 giây, đạt 200 km/h trong 4,36 giây, 300 km/h trong 7,37 giây, thậm chí 400 km/h trong 12,08 giây và 500 km/h trong vòng 20,16 giây. Tốc độ tối đa mà chiếc hypercar này có thể đạt được ở mức trên 500 km/h. Ngoài khả năng tăng tốc, Bugatti còn cho biết đây sẽ là chiếc xe nhanh nhất tại trường đua Le Mans (Circuit de la Sarthe) với thời gian hoàn thành một vòng đua là 3 phút 7,1 giây. Còn trên Nurburgring, chiếc xe dự kiến sẽ có thành tích rơi vào khoảng 5 phút 23,1 giây.
Trước khi ra mắt, Bugatti đã công bố con số 0,67 và đó chính là tỉ số khối lượng / công suất của xe khi nó chỉ nặng 1.240 kg (1.240 kg / 1.850 mã lực). Để làm được điều đó, các tất cả các chi tiết cũng như ốc trên Bolide đều được làm bằng titan và loại vật liệu hàng không vũ trụ có cấu trúc rỗng và thành cực mỏng. Tất cả đều được in 3D thay cho gia công truyền thống vì với công nghệ này, chúng có thể được tạo nên một cách chính xác khi độ dày mỗi lớp in là 0,5 mm.
Nhờ công nghệ in 3D, nguyên liệu đầu vào được giảm thiểu đổng thời các thiết kế “khó” có thể được áp dụng để giảm khối lượng. Đơn cử là bộ giá treo cánh gió ở phía trước chỉ nặng 600 gram trong khi bộ treo phía sau nặng chỉ 325 gram. Chúng có thể chịu đựng được lực ép lên đến hơn 1 tấn của bộ cánh gió khi vận hành. Hệ thống phanh cũng rất nhẹ, nặng khoảng 2,4 kg cho mỗi cùm phanh. Bánh xe trước nặng 7,4 kg và bánh sau nặng 8,4 kg, chúng có kích thước lần lượt là 340/R21 ở bánh trước và 400/R21 ở bánh sau.
Không chỉ nhẹ, các chi tiết trên mẫu hypercar này còn phải rất, rất bền để có thể chịu đựng được áp lực cao khi xe vận hành. Các chi tiết có sức chịu đựng trung bình ở vào mức 1.250 N/mm vuông và hoạt động ổn định ở nhiệt độ hơn 260 độ C. Một trong số các chi tiết có độ bền đáng nể nhất trên Bolide đó là thành giằng hệ thống treo trước. Nó nặng chỉ 100 gram, tức nhẹ hơn một chiếc điện thoại thông thường nhưng có thể dùng để treo một vật nặng 3,5 tấn mà không làm biến đổi hình dạng!
Để bảo vệ người lái ở vận tốc lên đến hơn 500 km/h, khung monocoque bằng sợi carbon phải đảm bảo được sự chắc chắn cần thiết đồng thời cũng phải đủ nhẹ để không làm ảnh hưởng đến triết lý chung của xe.
Cụm chi tiết đặc biệt quan trọng này có độ bền giãn ở mức 6.750 N/mm vuông và độ cứng 350.000 N/mm vuông. Chiếc Bolide có chiều cao 995 mm, đúng bằng với con số của Bugatti Type 35 huyền thoại. Khoang lái của xe đạt được các tiêu chuẩn an toàn của FIA, bao gồm cả các trang thiết bị như hệ thống dập lửa, thiết bị kéo, bình xăng với nắp bơm xe của xe đua, kính bằng vật liệu tổng hợp, đai an toàn sáu điểm…
Xe sở hữu trục cơ sở ở mức 2,75 mét và rộng 1,99 mét, đây đều là những con số mà những chiếc xe đua đường trường LMP1 sở hữu khi tham gia vào các giải đua trên khắp thế giới, bao gồm cả Le Mans 24h.
Hiện tại, Bugatti Bolide chỉ mới là chiếc xe được ra mắt nhằm phô diễn khả năng thiết kế của Bugatti ở lĩnh vực siêu xe đua. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi cho thấy được động cơ W16 có thể làm được những gì. Chúng tôi đã mang đến cho chiếc xe sự tự do, minh họa và kết hợp động cơ với khung gầm nhẹ nhất có thể để mang đến trải nghiệm lái tuyệt vời. Với Bolide, chúng tôi đã cho những người hâm mộ của mình thấy được sẽ ra sao nếu Bugatti sản xuất xe đua ở thời điểm này và cuối cùng đã biến những mơ ước đó thành sự thật”, CEO của hãng, ông Stephan Winkelmann kết thúc.
Hiện tại, Bolide vẫn sẽ là chiếc xe trưng bày độc nhất và Bugatti chưa hề có một kế hoạch gì cho nó. Trong tương lai, rất có thể chúng ta sẽ thấy chiếc hypercar này tranh tài cùng những Aston Martin Valkyrie, Toyota GR Super Sport, SGC 007… trong phân khúc LMH của giải đua WEC.
Nguồn Bugatti