Trang chủ » Leica D-Lux 7: khi Panasonic LX100 II trở nên sang chảnh hơn

Chia sẻ bài đăng này

Công nghệ / Cuộc sống số

Leica D-Lux 7: khi Panasonic LX100 II trở nên sang chảnh hơn

Mối quan hệ hợp tác mật thiết giữa Leica và Panasonic đã diễn ra suốt nhiều năm nay
Mối quan hệ hợp tác mật thiết giữa Leica và Panasonic đã diễn ra suốt nhiều năm nay. Nếu như Leica có công tạo nên một số dòng ống kính giá rẻ (nhưng chất lượng vẫn cao) để lắp cho hệ cảm biến Four Thirds vốn không cần cấu trúc ống kính quá lớn và quá phức tạp, thì Panasonic từng tự tay gia công những mẫu máy ảnh được đánh giá rất tích cực, để từ đó Leica dựa vào và cho ra đời một vài dòng máy gắn thương hiệu riêng.

Lần này cũng vậy, chỉ một thời gian ngắn sau khi Panasonic trình làng chiếc Lumix LX100 II – thế hệ thứ 2 của dòng máy ảnh compact đình đám và nổi tiếng – thì Leica cũng công bố sự hiện diện của chiếc D-Lux 7. Hầu hết công nghệ và tính năng của D-Lux 7 đều là dựa trên nền tảng của LX100 II, ngoài ra còn một số đặc điểm riêng tạo nên sự độc đáo cho máy mang thương hiệu Leica và đáp ứng nhu cầu của những ai yêu thích sản phẩm máy ảnh Đức.

Leica giữ lại kiểu dáng tổng thể mang tính chất nhỏ gọn của LX100 II cho D-Lux 7, nhưng thực hiện một số thay đổi để khiến máy càng thêm phần hoài cổ và sang trọng hơn. Khác với thiết kế toàn thân màu đen của LX100 II, chiếc D-Lux 7 sở hữu phần thân trên màu bạc tương phản với phần dưới màu đen. Mặt trước của D-Lux 7 được làm phẳng với các đường bo cong hai cạnh thay vì trang bị báng cầm (grip) như ở LX100 II. Tất nhiên, không thể thiếu logo Leica hình tròn trên nền đỏ tạo thành “dấu chấm” nổi bật và ấn tượng.

Ở phần cạnh trên, các bánh xe và nút điều khiển chính của máy bao gồm bánh xe chỉnh tốc độ, zoom, chỉnh bù trừ sáng, quay phim, bật tắt đều giữ nguyên vị trí và tác dụng như cách bố trí trên nguyên bản LX100 II. Chúng đều có màu bạc, nhưng riêng miếng che kết nối đèn flash lại có màu đen, không ăn nhập cho lắm. Nếu Leica trang bị kèm theo máy miếng che cũng màu bạc thì sẽ tốt hơn.

Một thành phần khác cũng được “bạc hóa” so với nguyên bản là ống kính của máy. Tuy nhiên, cấu trúc ống kính này không thay đổi so với LX100 II và cũng chính là loại từng trang bị trên phiên bản D-Lux Typ 109 tiền nhiệm của D-Lux 7: Leica DC Vario-Summilux ASPH với dải tiêu cự zoom được từ 10.9 – 34 mm (tương đương 24 – 75 mm khi quy đổi sang cảm biến cỡ 35 mm), khẩu mở f/1.7 – 2.8 (tương đương f/3.7 – 6.2 về hiệu ứng xóa phông trên hệ cảm biến 35 mm) và có chống rung quang học. Trên thân ống có vòng chỉnh khẩu, nút chỉnh chế độ lấy nét và nút bấm để chuyển tỷ lệ crop với các lựa chọn 4:3, 3:2, 16:9 và 1:1.

D-Lux 7 kế thừa cảm biến Micro Four Thirds 17 MP của LX100 II. Máy có khả năng chụp liên tiếp 7 fps, độ nhạy sáng ISO tối đa lên đến 25.600 và phần mềm được cải tiến để hỗ trợ tính năng chụp trước-lấy nét sau. Máy còn quay được video tối đa lên đến độ phân giải 4K ở tốc độ 30 fps, mức chất lượng 100 mbps, định dạng MP4.

Người chụp có thể quan sát thông qua màn hình cảm ứng LCD 3 inch với độ nét 1,24 triệu pixel và từ đó điều khiển các tính năng máy, hoặc ngắm chụp thông qua kính ngắm điện tử EVF có độ nét 2,76 triệu pixel. D-Lux 7 cũng có kết nối WiFi và Bluetooth. Máy vận hành bằng pin lithium-ion BP-DC15 có dung lượng 1.025 mAh, sạc được bằng máy vi tính, qua ổ cắm tường hoặc bộ sạc chuyên dụng qua cổng micro USB.

Với kết nối không dây và ứng dụng FOTOS của Leica trên Android/iOS, người dùng D-Lux 7 cũng có thể truyền tải ảnh về điện thoại thông minh để chỉnh sửa và chia sẻ nhanh lên mạng xã hội. Ngoài việc xử lý hậu kỳ cơ bản, người chụp còn có thể thực hiện chỉnh lại điểm lấy nét trên từng tấm hình qua tính năng chụp trước-lấy nét sau mang tên Post-Focus. FOTOS còn cho phép điều khiển D-Lux 7 chụp từ xa qua màn hình điện thoại.

Tương tự như LX100 II, D-Lux 7 cũng được Panasonic sản xuất tại các nhà máy ở Nhật Bản và Trung Quốc với tiêu chuẩn chất lượng cao nhất, đáp ứng yêu cầu từ Leica. Máy có giá bán niêm yết ở mức 1.195 USD, cao hơn so với nguyên bản LX100 II vốn chỉ có giá 999 USD. Với nhiều người thì mức chênh lệch 196 USD để đổi lấy thân máy hai tông màu bạc-đen và “dấu chấm đỏ” Leica cũng không hẳn quá khó chấp nhận.

LifeStyle

Chia sẻ bài đăng này

Đăng bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

Chuyển đến thanh công cụ