Những năm gần đây, Hà Giang không chỉ là nơi nổi tiếng bởi cảnh đẹp nên thơ, những sườn núi chênh vênh, những ruộng bậc thang hút mắt… mà còn là nơi dừng chân được nhiều người lựa chọn để ngắm tam giác mạch
Những năm gần đây, Hà Giang không chỉ là nơi nổi tiếng bởi cảnh đẹp nên thơ, những sườn núi chênh vênh, những ruộng bậc thang hút mắt… mà còn là nơi dừng chân được nhiều người lựa chọn để ngắm tam giác mạch.
Tam giác mạch là loại cây lương thực được đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc trồng và thu hoạch hàng năm. Loài hoa này có cánh li ti, khi chưa nở chụm lại thành hình chóp nón. Khi mới nở hoa có màu trắng, sau đó phớt hồng và chuyển sang đỏ lúc tàn.
Ở Hà Giang, cứ sau vụ lúa, người dân một số xã vùng cao lại gieo trồng cây tam giác mạch. Đây là loại cây không ưa nước nên dễ sống ở vùng cao nguyên đất cằn sỏi đá. Một vụ mùa của cây kéo dài khoảng 3 tháng từ lúc gieo trồng cho đến khi thu hoạch. Nên, cứ đến khoảng giữa tháng 10 sang tháng 11 mỗi năm, những người yêu du lịch trên khắp mọi miền đất nước lại lên kế hoạch đến Hà Giang, để “săn” loài hoa này.
Tam giác mạch khiến nhiều người thích thú, ngỡ ngàng, vì không những là loài hoa đẹp, mà tam giác mạch còn có thể chế biến thành các món ăn, trị bệnh, ngâm rượu…
Cây tam giác mạch có rất nhiều công dụng. Thân của cây khi còn non có thể hái về luộc để ăn như một loại rau rừng bình thường. Nó có vị hơi ngai ngái nhưng nếu ăn quen bạn sẽ nhớ về nó như loài cây đặc trưng cảu vùng đất cao nguyên Hà Giang.
Đối với hạt tam giác mạch, người dân ở đây thường lấy hạt phơi khô, sau đó xay nhỏ thành bột để làm bánh, hoặc có thể dùng hạt để ủ rượu.
Rượu tam giác mạch
Tùy vào từng vùng mà người ta có cách gọi rượu tam giác mạch bằng các tên khác nhau. Có nơi người ta gọi rượu tam giác mạch là rượu Cốc Pài, nhưng cũng có nơi người ta đơn thuần gọi nó là rượu tam giác mạch. Tuy tên gọi khác nhau nhưng vị của nó khó có thể lẫn với các loại rượu khác.
Được biết, người ta pha chế rượu tam giác mạch theo công thứ 1 – 2. Nghĩa là, họ trộn một phần mạch với hai phần ngô. Mạch phơi khô được nấu lên như rượu gạo bình thường. Sau khi nấu, ủ men là công đoạn quan trọng nhất. Men phải được ủ đúng độ mới tạo nên hương vị nồng nồng đặc trưng của rượu mạch.
Rượu tam giác mạch khi thành phẩm không cay như rượu gạo, cũng không ngọt như rượu cần của vùng Tây Bắc. Nó là sự dung hòa giữa cái cay và nồng ấy.
Ở Hà Giang, người dân địa phương cho biết, phải thật khéo tay và có bí quyết gia truyền trong công thức ngâm trộn thì rượu tam giác mạch mới đặc trưng mà không giống bất cứ loại rượu nào. Cũng là một cách ngâm trộn, cũng là một cách ủ men nhưng men có đạt chuẩn hay không lại do tay người ủ.
Bánh tam giác mạch
Hạt tam giác mạch sau khi phơi khô, được xay nhỏ thành thứ bột thật mịn, bột tuyệt đối phải xay bằng tay nếu không khéo thì bánh sẽ lợn cợn rất khó ăn. Bột nhào với nước thành hỗn hợp dẻo mềm rồi cho vào khuôn đúc thành từng tấm bánh tròn xoe.
Bánh được hấp chín trên bếp lửa, khi đến tay người mua vẫn còn nguyên hơi ấm. Chỉ mười ngàn đồng một tấm bánh to chừng hai bàn tay người lớn. Người Mông đi chợ phiên thường mua bánh tam giác mạch để ăn cùng thắng cố.
Bánh tam giác mạch mềm, xốp, có vị ngọt bùi và là thức quà đặc biệt mà du khách nên thưởng thức. Được làm từ hạt của cây, bánh mềm xốp, cần nhấm nháp thật chậm để cảm nhận vị ngọt thanh lan tỏa. Không quá mướt mát như bột gạo, bột tam giác mạch thoáng vị bùi bùi, phảng phất chút hăng hăng đặc trưng của cây rừng.
Tam giác mạch làm thuốc chữa bệnh
Hạt tam giác mạch có khả năng giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng cholesterol tốt và làm giảm cholesterol xấu, chống viêm. Ngoài ra thường xuyên ăn hạt tam giác mạch còn tốt cho da và tóc, và chữa được các bệnh về đường ruột.
Lễ hội hoa tam giác mạch
Để quảng bá du lịch cũng như thu hút khách du lịch, tỉnh Hà Giang hằng năm đều tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch. Tham gia lễ hội, du khách không chỉ được ngắm hoa tam giác mạch vào thời điểm đẹp nhất mà còn được trải nghiệm những hoạt động văn hóa vô cùng độc đáo như: các buổi biểu diễn văn nghệ, hội chợ, các trò chơi dân gian, ẩm thực… Các hoạt động này đều mang những nét đặc trưng văn hóa vùng miền – dân tộc rất riêng.
Một số địa điểm ngắm hoa tam giác mạch đẹp ở Hà Giang khi tham gia lễ hội:
– Thạch Sơn Thần – xã Quyết Tiết, huyện Quản Bạ.
– Làng văn hóa Lũng Cẩm – thung lũng Sủng Là.
– Chân đèo Mã Pí Lèng – Pả Vi, Mèo Vạc.
– Lũng Cú – điểm cực Bắc.