Trang chủ » Chiêm ngưỡng chiếc máy ảnh Leica trị giá 15 triệu USD, lập kỷ lục đắt giá nhất mọi thời đại

Chia sẻ bài đăng này

Công nghệ

Chiêm ngưỡng chiếc máy ảnh Leica trị giá 15 triệu USD, lập kỷ lục đắt giá nhất mọi thời đại

Vừa qua, một chiếc máy ảnh Leica có tuổi đời cả trăm năm đã được bán đấu giá thành công, đồng thời thiết lập kỷ lục cao chưa từng thấy trong lĩnh vực thiết bị nhiếp ảnh về mức giá bán sau khi đấu giá.

Trong buổi đấu giá được tổ chức bởi Leitz Photographica Auctions tại thủ đô Vienna của Áo vào ngày 11/6/2022 vừa qua, một sự kiện gây chấn động ngành nhiếp ảnh quốc tế đã xảy ra khi chiếc máy ảnh Leica 0-series No. 105 được bán đấu giá thành công ở mức giá 14,4 triệu Euro, tương đương 15,1 triệu USD và khoảng hơn 350 tỷ đồng.

Trước đây, số tiền bán đấu giá cao nhất đối với một chiếc máy ảnh là 2,4 triệu Euro (gần 3 triệu USD) vào năm 2018. Trước đó nữa là 2,16 triệu Euro (2,7 triệu USD) và 1,68 triệu Euro (2,18 triệu USD) đều diễn ra trong năm 2012. Vì vậy, với lần bán đấu giá này, chiếc Leica 0-series No. 105 nghiễm nhiên trở thành máy ảnh đắt giá nhất mọi thời đại.

Đây là một sự kiện đáng nhớ vì nó đánh dấu năm hoạt động thứ 20 của tổ chức Leitz Photographica Auctions – một đơn vị chuyên về đấu giá máy ảnh và phụ kiện lịch sử được bảo trợ bởi Leica Camera Classics, công ty con của Leica Camera AG tại Áo. Trong số 12 mẫu máy ảnh từng được bán đấu giá cao hơn mức 1 triệu USD, toàn bộ đều là Leica và 11 chiếc do Leitz Photographica Auctions thực hiện.

Leica 0-Series No. 105 là chiếc máy ảnh từng thuộc sở hữu của kỹ sư Oskar Barnack, nhà phát minh, đồng thời cũng là cha đẻ của máy ảnh Leica. Vào năm 1913, chỉ vài tháng trước Thế chiến thứ nhất, kỹ sư Barnack tạo ra chiếc máy ảnh chụp phim khổ 35 mm Micro Lilliput và đặt nền móng cho sự thành công của Leica trong tương lai. Năm đó, Barnack chỉ mới 34 tuổi.

Vào thời điểm Micro Lilliput ra đời, mặc dù trên thị trường lúc đó đã tồn tại những dòng máy ảnh 35 mm khác nhưng chúng sử dụng cách thức chuyển phim theo chiều dọc với kích thước khung hình 18×24 mm, tương tự như máy quay phim. Barnack thiết kế máy ảnh của mình với cách “lên phim” theo chiều ngang, qua đó tăng kích thước khung hình lên 24×36 mm, cho phép chụp những tấm ảnh có độ chi tiết cao hơn và sắc nét hơn.

Ấn tượng trước Micro Lilliput, các lãnh đạo tại công ty Leitz Werke Wetzlar – nơi Oskar Barnack làm việc – đổi tên nó thành Ur-Leica và tiến hành nghiên cứu thêm để thương mại hóa. Do ảnh hưởng của chiến tranh, phải đến giữa thập niên 1920 thì máy ảnh Leica mới được sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên trong quãng thời gian trước đó đã có khoảng hơn 20 chiếc nguyên mẫu thử nghiệm được tạo ra. Ngày nay, chúng được gọi là Leica 0-Series.

Chiếc máy ảnh được bán trong cuộc đấu giá lần này mang số sê-ri 105, sản xuất năm 1923 từng thuộc sở hữu của gia đình nhà phát minh cho đến năm 1960. Sau đó nó được một nhà sưu tập tư nhân ở Mỹ mua lại và được bảo quản rất tốt đến thời điểm hiện tại. Tên của Oskar Barnack được khắc trên kính ngắm, trong khi phần nắp ống kính cũng có các ký tự “O.B.” viết tắt tên của ông.

Ban đầu, đơn vị đấu giá đặt mức giá khởi điểm là 1 triệu Euro và chỉ kỳ vọng rằng sẽ bán được ở giá khoảng 2 – 3 triệu Euro. Tuy nhiên mức giá bán cuối cùng hoàn toàn hợp lý vì đây là chiếc Leica mang đậm dấu ấn cá nhân của nhà phát minh, đồng thời cũng là mẫu 0-Series hiếm hoi còn tồn tại và được lưu giữ cẩn thận khi phần lớn những chiếc nguyên mẫu thử nghiệm khác đã thất lạc theo thời gian.

Hình ảnh chi tiết chiếc máy ảnh Leica 0-Series No. 105 của Oskar Barnack trước khi được bán đấu giá:

Tham khảo Leitz Photographica Auctions

Nam Nguyen

Chia sẻ bài đăng này

Đăng bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

Chuyển đến thanh công cụ