Léon Breitling, cha đẻ thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ Breitling là một người thợ lành nghề, tạo ra những công cụ tính giờ chính xác, tập trung vào đồng hồ Chronograph từ 1884.

Léon Breitling – Ảnh: Auctionzip
Léon Breitling là người Thụy Sĩ gốc Đức, thành lập một xưởng chế tạo đồng hồ của riêng mình lúc chỉ mới 24 tuổi (năm 1884), khởi đầu của thương hiệu đồng hồ Breitling nổi tiếng ngày nay.
Léon tập trung vào đồng hồ bấm giờ, thứ thiết bị có nhu cầu rất cao vào thời điểm đó dùng trong công nghiệp, quân sự và khoa học cũng như các tổ chức thể thao.
Năm 1889, công ty Breitling được cấp bằng sáng chế cho một thiết bị bấm giờ đơn giản, vượt qua các đối thủ bởi thiết kế đẹp, quy trình sản xuất không quá phức tạp và bảo dưỡng dễ dàng.
Năm 1892, thừa thắng xông lên, Léon chuyển sang nhà máy mới lớn hơn tại La Chaux-de-Fonds với hơn 60 nhân sự tập trung vào chế tạo những chiếc đồng hồ chính xác và sáng tạo hơn.

Ảnh: Breitling
Năm 1893, Montbrillant Watch Manufacturing (tên công ty lúc bấy giờ) nhận được chứng nhận bằng sáng chế bộ máy có khả năng dự trữ năng lượng lên đến 8 ngày.
Năm 1896, thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ đạt cột mốc mới khi tạo ra chiếc đồng hồ có độ chính xác lên đến 2/5 giây. Mẫu thiết bị cùng với máy đo nhịp tim dùng trong y học được các bác sĩ đánh giá cao.
Trong vòng 10 năm, công ty của Léon đã bán được hơn 100.000 chiếc đồng hồ bấm giờ và các thiết bị đo đạc thời gian chính xác.
Năm 1905, khi ô tô trở thành phương tiện vận chuyển yêu thích, công ty của Léon lại được cấp bằng sáng chế cho thiết bị có thể đo tốc độ trong khoảng từ 15-150 km/h.
Bộ bấm giờ Vitesse cho phép tài xế biết được mình đang chạy bao nhiêu, đương nhiên là cảnh sát cũng làm được điều này. Ngay sau đó, vé phạt chạy quá tốc độ lần đầu tiên xuất hiện tại Thụy Sĩ.

Gaston Breitling – Ảnh: Breitling
Năm 1914, Léon Breitling qua đời, con trai ông, Gaston Breitling kế thừa sự nghiệp kinh doanh của gia đình.
Hổ phụ sinh hổ tử, Gaston thừa hưởng những phẩm chất tuyệt vời của người cha, sự tinh tế và sáng tạo, cùng niềm đam mê vô tận với đồng hồ Chronograph đã soi sáng cho tương lai của đồng hồ Breitling.
Năm 1915, Gaston đã ra mắt một trong những mẫu đồng hồ Chronograph đeo tay đầu tiên trên thế giới với một nút bấm riêng biệt nằm tách ra so với núm vặn đồng hồ.
Năm 1923, công ty của Gaston nhận được bằng sáng chế mẫu đồng hồ bỏ túi với 2 nút bấm, trong đó 1 nút bấm đảm nhiệm bấm giờ, nút còn lại tích hợp vào núm vặn để thiết lập lại cơ chế bấm giờ.
Đây cũng là lần đầu tiên một chiếc đồng hồ bấm giờ có thể đo được nhiều khoảng thời gian lần lượt.
Điều thú vị là mặt đồng của Gaston ở thời điểm đó không có ghi tên thương hiệu Montbrillant, Sprint và Vitesse. Mãi cho đến cuối những 1920, tên nhà sản xuất mới được in trên mặt đồng hồ.

Willy Breitling – Ảnh: Breitling
Tháng 7/1927, Gaston Breitling qua đời, con trai ông, Willy Breitling chỉ mới 14 tuổi chưa đủ lớn để kế thừa sự nghiệp của cha, 5 năm tiếp theo, công ty được một nhóm người ngoài quản lý.
Năm 1929, công ty nhà Breitling vượt qua sự sụp đổ của thị trường chứng khoán phố Wall và thời kỳ Đại khủng hoảng diễn ra sau đó.
Năm 1932, mặc dù Willy Breitling vẫn đang còn rất trẻ, nhưng anh đã sẵn sàng kế thừa vai trò lãnh đạo công ty, tiếp nối truyền thống tốt đẹp gia đình.
Thời điểm này đồng hồ bấm giờ vẫn đang cực thịnh, bộ sưu tập của Breitling có đến 40 mẫu đồng hồ khác nhau.

Ảnh: Breitling
Cho đến 1934, những mẫu đồng hồ bấm giờ đeo tay chỉ có một nút bấm riêng, thường thì sau khi bấm đếm giờ và dừng lại, tiếp theo sẽ là thao tác thiết lập lại cơ chế bấm giờ.
Nhận thấy rằng đây là một thiếu sót quan trọng, Willy Breitling đã đệ trình bằng sáng chế chiếc đồng hồ bấm giờ đeo tay đầu tiên trên thế giới có 2 nút bấm riêng biệt với núm xoay.
Năm 1936, Willy giới thiệu mẫu đồng hồ bấm giờ dành cho phi công với mặt màu đen, kim đồng hồ phát quang với khung xoay linh hoạt rất hữu ích khi sử dụng trong bóng tối.
Năm 1938, Huit Aviation Department ra đời nhằm chế tạo dòng đồng hồ bấm giờ riêng cho phi công và Willy dẫn dắt thương hiệu độc lập này trong 47 năm sau đó.

Ảnh: Breitling
Nhận thức được những yêu cầu khắt khe của hàng không quân sự và dân sự, Willy đã lựa chọn từ tiếng Pháp “Huit” – có nghĩa là “8” cho thương hiệu riêng của mình.
Như đã nói ở trên, con số “8” ngày thể hiện thời gian dự trữ năng lượng của bộ máy trên đồng hồ đeo tay, đồng hồng dành cho phi công hay các công cụ đo thời gian khác nữa.
Những chiếc đồng hồ này ngoài thời gian dự trữ năng lượng ấn tượng và màn hình dễ đọc, nó còn có bộ khung rất nhẹ ngay lập tức đã thu hút dược sự chú ý của phi công khi Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra.
Huit Aviation Department nhận được lượng đặt hàng khổng lồ từ Không quân Hoàng gia. Thương hiệu của Willy xuất hiện trên những máy bay ném bom, máy bay chiến đấu huyền thoại trong cuộc chiến.

Ảnh: Breitling
Năm 1940, Breitling đã được cấp bằng sáng chế cho dòng đồng hồ Chronomat, với khung viền bezel xoay dạng trượt dành cho các kỹ thuật viên và nhà khoa học.
Năm 1943, công ty Breitling ra mắt dòng sản phẩm mới gọi là Premier. Lần này, vẫn là từ tiếng Pháp “Premier” có nghĩa là “Đầu tiên”, tiếp tục mang lại thành công cho công ty.
Dòng sản phẩm mới không dính dáng gì đến quân sự mà tập trung vào người dùng dân sự, tuy không mang quá nhiều đổi mới nhưng chúng có chất lượng hàng đầu, sang trọng và nhiều chi tiết đặc trưng.
Dòng Premier có mặt đồng hồ lên đến 38mm và thiết kế thanh lịch, khung thép không gỉ hoặc vàng nguyên khối đánh dấu một cột mốc mới trong lịch sử đồng hồ Breitling.
Năm 1944, Breitling ra mắt 2 dòng sản phẩm mới bao gồm Duograph, có thêm một kim giây thứ 2 và Datora, được giới thiệu ngay sau chiến tranh, hiển thị lịch và chu kỳ mặt trăng.
Tiếp theo: Lịch sử đồng hồ Breitling: Thương hiệu đồng hồ Chronograph từ 1884 – Phần 2
Nguồn tham khảo: Breitling