Trang chủ » Surface Laptop 2 là laptop tốt nhất năm 2018

Chia sẻ bài đăng này

Công nghệ / Cuộc sống số

Surface Laptop 2 là laptop tốt nhất năm 2018

Bài viết của tác giả Raymond Wong với tựa đề gốc “Microsoft Surface Laptop 2 is the best laptop of 2018” cho trang tin Mashable phiên bản Đông Nam Á; Lifestyle
Bài viết của tác giả Raymond Wong với tựa đề gốc “Microsoft Surface Laptop 2 is the best laptop of 2018” cho trang tin Mashable phiên bản Đông Nam Á; Lifestyle.vn lược dịch.

Thời thế đã thay đổi rồi.

Suốt 10 năm qua, khi được mọi người hỏi nên mua laptop gì, tôi luôn khuyên họ tìm đến các thể loại MacBook của Apple. Tạm gác vụ sở thích hệ điều hành qua một bên, thực sự là mấy dòng MacBook Air với MacBook Pro luôn đem lại trải nghiệm tốt hơn đám máy Windows, cho dù giá bán của chúng luôn ở tầm hơi cao chút.

Chúng bền bỉ, có thời lượng sử dụng pin khá là lâu (đặc biệt là chiếc Air), và có cảm giác khiến cho ai sử dụng chúng tự nhiên trông “ngầu” lên hẳn khi ngồi trong quán cafe.

Những chiếc MacBook Pro mới nhất của Apple vẫn tốt, nhưng chúng có nhiều nhược điểm khó chấp nhận. Những điểm gây thất vọng nhất là bàn phím “cánh bướm” quá mỏng gần như không có chiều sâu (bất chấp việc được “nâng cấp” lên thế hệ 3 êm ái và ổn định hơn, theo Apple) và Touch Bar kém hữu dụng.

Việc Apple lúng túng với dòng MacBook là một cơ hội hiếm hoi để các hãng sản xuất máy tính Windows vượt lên. Thế nhưng những chiếc laptop tốt nhất trong việc cân bằng giữa thiết kế, hiệu năng và tính khả dụng lại không đến từ các thương hiệu lâu năm quen thuộc như Dell, HP, hay Asus. Thay vào đó, tôi lại thích thú nhất với sản phẩm đến từ 2 thương hiệu mới nổi gần đây.

MateBook X Pro của Huawei có thể coi là chiếc laptop truyền thống đáng đồng tiền bát gạo nhất trong năm 2018, nếu bạn sẵn sàng bỏ ra 1.500 USD (khoảng 35 triệu đồng) cho phiên bản cấu hình có dung lượng lưu trữ SSD 512 GB cùng card đồ họa rời Nvidia MX150.

Nếu bạn cảm thấy mức giá đó không đáng với những gì nhận được và chưa yên tâm về xuất xứ của máy, thì bạn chỉ còn một lựa chọn tốt nhất là chiếc Surface Laptop 2 của Microsoft, có giá khởi điểm chỉ từ 999 USD.

Về khía cạnh phần cứng, nó vẫn tuyệt vời như chiếc Surface Laptop thế hệ đầu tiên (với đủ các cổng kết nối và mọi thứ khác). Thứ được nâng cấp mạnh mẽ nhất nằm bên trong máy: bộ vi xử lý CPU Intel Core thế hệ 8 hứa hẹn cho hiệu năng nhanh hơn đến 85%, theo lời Microsoft.

Ngày trước, bạn vẫn có thể mua được một chiếc MacBook với giá 999 USD là MacBook Air, nhưng cấu hình của nó đã lỗi thời đến mức tôi không dám khuyên bất kỳ ai mua cả. Đáng ngạc nhiên là bây giờ Apple vẫn bán nó, song song với bản cải tiến thế hệ thứ 2 vừa được ra mắt vào ngày 30/10/2018 vừa qua, được nâng cấp cấu hình và có màn hình Retina sắc nét hơn, nhưng giá khởi điểm cũng tăng lên đến 1.199 USD.

Thử tìm nhanh trên mạng, bạn có thể sẽ thấy được nhiều laptop ở cùng tầm giá với Surface Laptop 2, nhưng cấu hình của chúng kém hơn hẳn.

Ở trạng thái cơ bản nhất, Surface Laptop 2 có CPU Intel Core i5 thế hệ 8 với 4 nhân thực, 8 GB RAM, ổ lưu trữ SSD 128 GB. Các laptop ở tầm 999 USD khác thường có vi xử lý chậm hơn, RAM ít hơn, ổ cứng dung lượng thấp hơn – những thứ mà bạn sẽ mau chóng cảm thấy rất thiếu thốn trong quá trình sử dụng.

Tôi đã đánh giá một phiên bản Surface Laptop 2 màu đen nhám giá 1.299 USD, với SSD 256GB. Bạn phải bỏ ra thêm 200 USD để tăng gấp đôi dung lượng ổ lưu trữ, nhưng hoàn toàn xứng đáng vì đây không phải là thứ sau này bạn có thể nâng cấp thêm. Đó cũng là lựa chọn ít tốn kém nhất để sở hữu được bản màu đen nhám.

Ngoài ra, Microsoft còn bán Surface Laptop 2 với các cấu hình khác. Bản Core i7, RAM 8 GB, SSD 256 GB giá 1.599 USD. Bản Core i7, RAM 16 GB, SSD 512 GB giá 2.199 USD. Bản Core i7, RAM 16 GB, SSD 1 TB giá 2.699 USD (rất lạ là bản cao cấp nhất này lại không có màu đen nhám).

Phiên bản hợp lý nhất, đáng đồng tiền nhất chính là bản Surface Laptop 2 mà tôi đã thử nghiệm.

Hiệu năng mạnh mẽ

Ngoài việc có giá trị tốt nhất hiện nay trên thị trường, sự thay đổi quan trọng bậc nhất trên Surface Laptop 2 là hiệu năng. Microsoft cho biết Surface Laptop 2 “nhanh hơn đến 85%” so với Surface Laptop thế hệ đầu tiên. Và đúng là như vậy thật.

Nhằm kiểm tra sức mạnh của nó, tôi đã chạy Geekbench 4, công cụ đo hiệu năng của cả CPU và GPU.

Đối với CPU, Surface Laptop 2 đạt 3.872 điểm trong bài test đơn nhân và 13.120 điểm trong bài test đa nhân. Mẫu Core i5, RAM 8 GB thế hệ đầu tiên đạt các điểm số lần lượt là 3.615 và 7.492. Tức là Surface Laptop 2 nhanh hơn 7,11% đối với các tác vụ đơn nhân và 75,12% đối với các tác vụ đa nhân.

Không ngạc nhiên khi Surface Laptop 2 nhanh hơn, bởi CPU của nó có 4 nhân thực so với mẫu thế hệ cũ chỉ có 2 nhân thực. Các phần mềm tận dụng nhiều nhân như Photoshop và Adobe Premiere Pro CC sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ nguồn sức mạnh được gia tăng này.

Hiệu năng đồ họa trên Surface Laptop 2 cũng nhanh hơn đáng kể so với Surface Laptop cũ. Dù chỉ sử dụng chip đồ họa tích hợp Intel UHD 620, giống hệt Intel HD 620 trên Surface Laptop (Intel chỉ đổi tên HD 620 thành UHD 620), bài test GPU trong Geekbench 4 của tôi cho thấy Surface Laptop 2 nhanh hơn bản tiền nhiệm đến 63,3% khi thực hiện các tác vụ cần đến OpenCL (liên quan nhiều đến xử lý hình ảnh).

Đó là điều tốt, nhưng bạn vẫn không nên kỳ vọng sẽ chơi được game nặng trên chiếc máy. Nó không được thiết kế để xử lý đồ họa chuyên sâu. Ngay cả ở mức thiết lập đồ họa thấp, game Fortnite chơi không mượt lắm. Nếu có nhu cầu cao về game, bạn nên tìm Razer Blade hay Acer Predator.

Hầu hết mọi người thường thay laptop sau mỗi 4-5 năm. Tôi tự tin rằng Surface Laptop 2 sẽ duy trì được sự hữu dụng ít nhất 3-4 năm trước khi nó bắt đầu ì ạch vì Windows 10 dần được cập nhật thêm và nhu cầu của bạn trở nên cao hơn.

May mắn là Surface Laptop 2 không đi kèm với phiên bản Windows 10 S bị rút gọn quá đáng (chỉ cho phép cài ứng dụng từ Windows Store) như chiếc Surface Laptop thế hệ đầu. Ngay khi mở hộp, bạn sẽ có được một chiếc laptop chạy Windows 10 Home thực thụ.

Bạn vẫn có thể kích hoạt chế độ S này, nó hữu dụng nếu bạn là một bậc phụ huynh và muốn kiểm soát nhiều hơn các ứng dụng mà trẻ nhỏ sử dụng, nhưng bạn không thể cài Chrome hay bộ Adobe Creative Cloud để làm việc nghiêm túc được. Dù Microsoft Edge gọn gàng và nhanh đấy, nhưng công việc của tôi cần Chrome hơn. Thật tuyệt là Microsoft đã nhận ra và điều chỉnh ngay từ đầu.

Thiết kế vẫn tuyệt, nhưng vẫn không có USB-C

Giá trị và hiệu năng là hai thứ duy nhất bạn cần biết về Surface Laptop 2. Mọi thứ khác y hệt thế hệ trước.

Không có sự thay đổi nào về thiết kế. Bộ khung nhôm hình nêm của nó rất chắc và không bị cong. Nếu bạn từng ghé một cửa hàng Microsoft và thấy chiếc Surface Laptop thế hệ đầu, thì đó vẫn là những gì bạn sẽ nhận được.

Bàn phím cũng như trước, với các phím kiểu chiclet có hành trình phím khá tốt. Cảm giác gõ thoải mái hơn nhiều so với bàn phím phẳng trên những chiếc MacBook mới, chắc chắn là vậy. Phía trên cùng vẫn là hàng phím chức năng thực thụ và quen thuộc.

Cùng với bàn phím, trackpad precision cũng rất ổn. Theo ý kiến của tôi, nó là trackpad tốt nhất từng thấy trên bất kỳ chiếc laptop Windows nào (tôi từng dùng rất nhiều laptop cao cấp nhưng có trackpad tệ hại), ngang ngửa với “đàn anh” Surface Book của nó và độ nhạy chỉ kém MacBook mà thôi.

Màn hình cảm ứng 13.5-inch vẫn rực rỡ như phiên bản cũ. Microsoft cho biết nó có độ tương phản 1.500:1 tốt hơn trước. Từng được ghé thăm các phòng lab thử nghiệm Surface cũng như mọi loại máy móc Microsoft sử dụng để test các thiết bị, tôi tin họ. Với tôi, màn hình quá sáng và quá nét, tôi hiếm khi phải đẩy độ sáng lên 100% (chỉ để ở 75% là đã đủ dùng trong nhà).

Tội thậm chí cũng chẳng quan tâm việc Microsoft vẫn giữ nguyên các cổng kết nối như trước (USB 3.0, Mini DisplayPort, jack headphone 3,5 mm, cổng Surface Connect để sạc và kết nối tới dock), dù sẽ tốt hơn nếu có ít nhất một cổng USB-C.

Ông Panos Panay, Giám đốc sản phẩm của Microsoft, từng giải thích về sự thiếu vắng cổng USB-C trên Surface Laptop 2 và Surface Pro 6 một cách thẳng thắn và thành thật như sau: “Nó chưa sẵn sàng”. Và ông không sai. Ngay cả khi USB-C đã ra mắt được nhiều năm, thì USB-A vẫn cực kỳ phổ biến trên thị trường. Không lạ khi nhiều phụ kiện và các cổng sạc tại các nơi công cộng như sân bay, trên tàu hỏa… đều không phải là USB-C.

Đành vậy, nhưng việc không tích hợp cổng USB-C vào Surface Laptop 2 là một thiếu sót lớn của Microsoft. Apple đã bị ca thán rất nhiều vì loại bỏ hầu hết các cổng kết nối trên chiếc MacBook 12 inch, thay bằng duy nhất 1 cổng USB-C, nhưng hành động của họ vô tình đã giúp đẩy mạnh sự phổ biến của cổng này. Với việc doanh thu của dòng sản phẩm Surface tiếp tục tăng trưởng (tăng 14% so với cùng kỳ năm trước trong Quý 1/2019), Microsoft phải có nghĩa vụ giúp USB-C phổ biến hơn nữa. Càng sớm vượt qua quá trình “quá độ” đầy cam go từ USB-A lên USB-C, chúng ta càng sớm được tận hưởng một cuộc sống vô ưu vô lo trong một thế giới chỉ có một cổng kết nối duy nhất phục vụ cho tất cả. Đó là điều tất yếu. Việc không trang bị USB-C cho Surface Laptop 2 vô tình đã trì hoãn viễn cảnh ấy lại.

Tôi còn muốn phàn này chút về cổng độc quyền Surface Connect – thứ lẽ ra phải bị thay thế bởi USB-C để sạc máy nếu Microsoft tích hợp cổng này, nhưng tôi hiểu vì sao nó vẫn có mặt trên Surface Laptop 2. Đầu tiên, nó là cổng kết nối nam châm, tuyệt vời y hệt như MagSafe đã từng có trên MacBook (thật đáng tiếc là nó đã bị loại bỏ), bởi bạn không phải lo vướng phải sợi dây và kéo theo cả chiếc máy tính xuống đất. Thứ hai, cổng Surface Connect này sẽ hữu dụng nếu bạn muốn gắn máy vào Surface Dock (được bán riêng). Và thứ ba, củ sạc có một cổng USB-A, cho phép bạn sạc một thiết bị khác như điện thoại hay tablet. Có lẽ cổng Connect này không tệ chút nào.

Chiếc laptop tốt nhất của năm 2018

Tôi đã thử qua hàng tá laptop trong năm nay, từ các loại 2-trong-1, Chromebook, MacBook, laptop chơi game… Nhu cầu mỗi người là khác nhau, đó là lý do tại sao không có một chiếc laptop phù hợp cho tất cả.

Nhưng bỏ qua những thứ đó, tôi cảm thấy chắc chắn rằng Surface Laptop 2 là chiếc laptop tốt nhất của năm 2018 này. Và khi nói điều đó, ý tôi là chiếc laptop tốt nhất mà hầu hết mọi người sẽ cần đến.

Surface Laptop 2 đẹp và được thiết kế tốt, đặc biệt phiên bản đen nhám. Nhưng hãy cẩn thận: giống như mọi màu được phủ lên nhôm, lớp phủ sẽ bị tróc hoặc trầy qua thời gian sử dụng và để lộ ra màu bạc của nhôm bên dưới.

Thực ra không cần phải quá lo lắng, nhưng nếu bạn muốn giữ nó luôn sạch đẹp, bạn nên cân nhắc dán skin hoặc ốp chẳng hạn.

Bàn phím của máy sẽ không hỏng nếu bạn lỡ làm bay bụi vào các phím. Tất nhiên, trải nghiệm gõ rất tuyệt vì hành trình phím dài. Trackpad cũng xuất sắc. Màn hình cảm ứng rực rỡ. Và nó có cổng USB-A!

Thời lượng pin cũng là điểm mạnh của Laptop 2. Microsoft khẳng định thời lượng pin lên đến 14,5 giờ nếu chỉ chơi video trên máy như chiếc Surface Laptop thế hệ đầu, nhưng thời lượng pin thực tế với nhiều tác vụ như mở nhiều tab Chrome, stream nhạc từ Spotify và YouTube, viết tài liệu trên Google Docs…sẽ giảm thời lượng pin xuống chỉ còn 5-7 giờ mà thôi. Như thường lệ, thời lượng pin phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ sáng màn hình, bạn có dùng Wifi hay không, loại ứng dụng bạn đang chạy…

Surface Laptop 2 chạy Windows 10 Home và có hiệu năng nhanh hơn, mượt mà hơn. Trên tất cả, nó có mức giá quá tốt, tốt hơn so với MacBook Air giá 1.199 USD, MacBook Pro giá 1.299 USD và nó gây ấn tượng tốt với tôi hơn chiếc Dell XPS 13 có cùng thông số cấu hình.

Chiếc laptop duy nhất tôi nghĩ có thể đạt được các tiêu chuẩn như độ mỏng và nhẹ tương đương Surface Laptop 2 là Huawei MateBook X Pro, nhưng như đã nói ở trên, để sở hữu nó bạn phải bỏ ra 1.500 USD.

Năm ngoái, Microsoft bán Surface Pro 2017 với giá khởi điểm 999 USD với chỉ 4GB RAM (chẳng ai mua máy với lượng RAM như thế trong năm 2018 nữa), nhưng với Surface Laptop 2, lượng RAM đã được tăng gấp đôi, khiến ngay cả chiếc Surface Laptop 2 rẻ nhất cũng trở thành một lựa chọn tốt, nếu bạn chấp nhận dùng ít ổ cứng.

Có vẻ như vào lúc này chúng ta đang sống trong một thế giới đảo ngược, khi mà Microsoft đã thay thế vị trí của Apple trong việc làm ra những chiếc laptop tốt nhất dành cho tất cả mọi người. Cũng đúng thôi, đó là điều xảy ra khi bạn tập trung toàn lực vào những tính năng chủ chốt của laptop, thay vì theo đuổi sự mỏng nhẹ của nó.

LifeStyle

Chia sẻ bài đăng này

Đăng bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

Chuyển đến thanh công cụ